Vững tay nghề - Giỏi chuyên môn - Sáng tâm đức

Giáo viên ở đâu được tôn trọng nhất

Một khảo sát quốc tế chỉ ra rằng giáo viên ở Trung Quốc, Malaysia có vị trí cao trong xã hội và được mọi người coi trọng nhất.

Trung Quốc dẫn đầu “Chỉ số địa vị giáo viên”, dựa trên kết quả khảo sát 35.000 người ở 35 quốc gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia (Anh) và Quỹ Varkey (trụ sở tại London).

Khoảng 81% người tham gia khảo sát tin rằng học sinh Trung Quốc tôn trọng giáo viên của họ (mức tôn trọng giáo viên của thế giới trung bình là 36%).

Anh nằm ở nửa trên bảng xếp hạng, xếp trên cả Mỹ, Pháp và Đức. Ở cuối bảng, Brazil, Israel và Italy là những nơi mà nghề giáo ít được trọng vọng nhất.

Văn hóa tôn trọng

Theo BBC, kết quả khảo sát cho thấy “nhiều người không mấy lạc quan về mức độ tôn trọng giáo viên của học sinh” ở châu Âu và Nam Mỹ.

Trong khi đó, ở các quốc gia như Singapore hay Hàn Quốc, điều này hoàn toàn trái ngược. Theo những người được khảo sát, văn hóa tôn trọng được đề cao ở các quốc gia châu Á.

Ngoài ra, sinh viên ở các nước này cũng đứng đầu trong các kỳ thi quốc tế. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng khi nghề dạy học được trọng vọng và quan tâm đúng cách, chất lượng giáo dục sẽ tăng theo.

Sunny Varkey – nhà sáng lập quỹ Varkey – nhận định: “Cuối cùng, chỉ số này cung cấp bằng chứng cho cái chúng ta luôn ngầm hiểu – mối liên kết giữa địa vị của giáo viên trong xã hội và hiệu quả học tập của trẻ tại trường.

Bây giờ, chúng ta có thể khẳng định rằng sự tôn trọng giáo viên không chỉ là bài học đạo đức quan trọng, mà còn là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giáo dục của một quốc gia”.

Giờ làm và lương của giáo viên

Một cách khác để nhìn nhận về địa vị của nghề giáo là hỏi mọi người xem họ có muốn con cái họ theo nghề này hay không.

Ở Trung Quốc, Ấn Độ và Ghana, nhiều gia đình khuyến khích con họ trở thành giáo viên. Nhưng ở Nga, Israel và Nhật Bản, phụ huynh không mặn mà với việc này.

Ngoài ra, khảo sát nghiên cứu thái độ công chúng cũng hỏi về đời sống làm việc của giáo viên. Ở hầu hết quốc gia khảo sát, mọi người cho rằng số giờ làm việc của giáo viên khá ít.

Riêng Canada và Phần Lan – 2 nền giáo dục có thành tựu cao nhất – là ngoại lệ. Những người tham gia khảo sát cho rằng giáo viên ở 2 nước này có số giờ làm việc nhiều hơn cả thực tế.

Khoảng 5 năm trước, một nghiên cứu tương tự về thái độ dành cho công việc giảng dạy cũng được thực hiện.

Khác biệt lớn nhất giữa khảo sát lần này và nghiên cứu lần trước là sự thay đổi quan điểm về trả lương cho giáo viên theo hiệu suất.

Ở hầu hết quốc gia khảo sát, số người ủng hộ việc trả lương giáo viên theo hiệu quả giảm trong giai đoạn 2013-2018. Tại Phần Lan, con số này giảm gần 60% (từ 80% xuống chỉ còn 21%). Trong khi đó, tại Anh, nó cũng giảm tới 40%.

Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ mà nghề giáo được coi trọng nhất:

1. Trung Quốc

2. Malaysia

3. Đài Loan (Trung Quốc)

4. Nga

5. Indonesia

6. Hàn Quốc

7. Thổ Nhĩ Kỳ

8. Ấn Độ

9. New Zealand

10. Singapore

(Khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia (Anh) và Quỹ Varkey)

LIÊN KẾT NHANH

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hôm nay Hội xuân Giáp Thìn & Ngày hội việc làm năm 2024 đã chính...
Chiều ngày 03/01/2024, đội bóng đá trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn đã có...
Ngày 14/12/2023, trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn đã có 2 sinh viên xuất...