Vững tay nghề - Giỏi chuyên môn - Sáng tâm đức

Học nghề hay chạy đua vào lớp 10?

ANTD.VN – Mức độ cạnh tranh vào lớp 10 THPT của Hà Nội vẫn được coi là căng thẳng hơn cả tuyển sinh đại học. Sức ép này đang đè nặng lên việc dạy và học ở bậc THCS trong khi không phải học sinh nào cũng thích hợp với việc tiếp thu lượng kiến thức lớn với 12 môn học ở khối THPT. “Lãng phí, nặng nề, thậm chí là bế tắc khi ai cũng phải chạy đua vào lớp 10” –lãnh đạo một trường THCS ở Hà Nội nhận định.

Sức ép nhiều phía

Hiện đang là thời điểm nước rút với học sinh lớp 9 khi nhiều trường đã lên kế hoạch đẩy nhanh nội dung chương trình, sách giáo khoa để tập trung ôn tập cho học sinh thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít phụ huynh, học sinh cảm thấy mù mịt khi biết năng lực con em mình khó có thể đỗ vào trường THPT nào trước sức cạnh tranh cao của kỳ tuyển sinh này.

“Có không ít trường hợp học sinh không đủ sức dự thi. Nếu những em này đi thi thì khả năng bị điểm liệt rất cao, ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích nhà trường, thậm chí là của cả quận, huyện” – cô Nguyễn Vân Anh, giáo viên THCS quận Bắc Từ Liêm cho biết. Cách giải quyết của những trường hợp này là gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh làm sao để con chuyển trường hoặc chấp nhận không thi tuyển sinh mặc dù kiểu “vận động” này đã bị ngành giáo dục cấm hoàn toàn.

“Các trường không được “vận động” học sinh bỏ thi vào lớp 10 để đảm bảo quyền lợi của các em nhưng có không ít trường hợp, để các em thi mới là ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân các em” – cô Nguyễn Vĩnh Hà, Trợ lý Hiệu trưởng trường phổ thông Pascal chia sẻ. Sở dĩ như vậy vì trường này đã nhận khá nhiều học sinh chuyển ngang từ công lập sang bởi cùng một lý do học kém.

“Nếu không nhận các em vào học khi đang học lớp 9, tôi chắc rằng các em sẽ không biết học ở đâu. Trong quá trình hỗ trợ học tập, tôi thấy rằng tốp học sinh yếu thường lại có năng khiếu hội hoạ, nghệ thuật, thể thao hay các công việc sáng tạo khác. Các em không hứng thú học tập nhưng lại rất khéo tay, có tài lẻ…” – cô Nguyễn Vĩnh Hà nhận xét.

“Với những em như vậy, nếu ép học Văn, Toán hay Lý, Hóa ở cấp THCS đã khó lên THPT lại càng khó tiếp thu hơn. Phụ huynh cũng chỉ mong cho con đỗ được vào trường THPT nào đó nên càng gây sức ép cho nhà trường và học sinh. Nếu có định hướng phù hợp, cả nhà trường, gia đình và bản thân các em sẽ không phải vất vả một cách vô ích chỉ để đối phó với một kỳ thi”.

Thiếu thông tin học nghề

Điều mà phụ huynh băn khoăn nhất là nếu con không học lên lớp 10 thì sẽ đi đâu, làm gì? “Ngay ở Hà Nội nhưng quả thật là phụ huynh hoàn toàn không có thông tin về định hướng cho con sau THCS. Ai cũng nghĩ là chỉ có con đường duy nhất lên THPT rồi lên ĐH. Nhưng đây không phải là đường duy nhất, phù hợp với mọi đối tượng học sinh” – cô Nguyễn Vĩnh Hà chia sẻ.  “Tôi đã trực tiếp tư vấn cho khá nhiều phụ huynh tìm cho con trường nghề phù hợp.

Cụ thể, một nam sinh ở lớp tôi chủ nhiệm có tính cách không thuần, khó kiểm soát cảm xúc, dễ bị kích động. Bố mẹ cứ tha thiết chuyện học hành của con nhưng tôi cho rằng với trường hợp này chuyện học không quan trọng bằng việc rèn giũa tâm tính. Sau đó, gia đình đã nghe tôi, tìm cho cháu một môi trường rèn luyện tốt sau khi kết thúc THCS. Hiện cháu đang học trong đội tuyển trẻ bắn súng của Đà Nẵng. Sau một năm, con về trường thăm thầy cô thì hoàn toàn thay đổi theo hướng tích cực, chững chạc, trưởng thành, có kỷ luật”.

Có thể thấy, rất nhiều trường hợp cần định hướng ngay sau bậc THCS nhưng đa số phụ huynh do thiếu thông tin và lo ngại về chất lượng đào tạo các trường ngoài khối phổ thông nên vẫn cứ dồn tải lên bậc THPT. TS. Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng nhận định, tình trạng thi cử nặng nề, gây sức ép lớn với nhà trường, học sinh, phụ huynh ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội, TP.HCM … có nguyên nhân chính ở việc thiếu phân luồng sau THCS.

Trợ lý Hiệu trưởng trường phổ thông Pascal Nguyễn Vĩnh Hà cho rằng: “Các trường THCS rất ít khi được tiếp cận với các trường đào tạo nghề, không có thông tin để tư vấn, định hướng cho phụ huynh, học sinh. Muốn phát huy đúng năng lực, sở trường của học sinh nhưng thì thầy cô, nhà trường phải chỉ được cho phụ huynh con đường tiếp theo. Ngoài ra, áp lực công việc chủ nhiệm trường công quá lớn, lớp quá đông, nên công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp trong trường công vẫn chưa được chú trọng”.

Thực tế đang tồn tại mâu thuẫn giữa việc tư vấn cho học sinh tìm con đường khác với học THPT thì các trường sẽ phải giải trình, báo cáo, có đơn của phụ huynh cam kết nhà trường không gây phiền hà. Trong khi đó, chẳng phụ huynh nào ngay từ đầu tự nguyện viết đơn không cho con thi nếu không có định hướng rõ ràng. Chính điều này càng khiến cho đa phần học sinh học hết lớp 9 không tính đến con đường khác ngoài mục tiêu vào THPT, gây quá tải cho hệ thống công lập của Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác.

“Để giảm tải cho THPT, học sinh lớp 8 cần được phân loại năng lực, hết lớp 8 có thể tham vấn cho phụ huynh về định hướng học nghề hay học THPT. Thời gian trong năm lớp 9, học sinh có thể phấn đấu, cố gắng. Nếu không đạt tiêu chuẩn thì sẽ chuyển hướng sang học nghề. Trường nghề cũng phải mở rộng kênh tuyên truyền đến trường THCS. Phụ huynh vẫn quan niệm rằng con không học THPT thì không có cơ hội học kiến thức ở các trường nghề. Nếu có thông tin đầy đủ để lựa chọn, tôi cho rằng xã hội đều có lợi, tiết kiệm được thời gian, chi phí khi sớm có định hướng nghề nghiệp tương lai” – cô Nguyễn Vĩnh Hà khẳng định.

 

 

LIÊN KẾT NHANH

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hôm nay Hội xuân Giáp Thìn & Ngày hội việc làm năm 2024 đã chính...
Chiều ngày 03/01/2024, đội bóng đá trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn đã có...
Ngày 14/12/2023, trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn đã có 2 sinh viên xuất...