Vững tay nghề - Giỏi chuyên môn - Sáng tâm đức

Tín hiệu tốt trong tự chủ Đại học

GD&TĐ – Phỏng vấn là hình thức thức tuyển sinh không mới đối với nhiều trường ĐH trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam trong những năm gần đây, một số trường ĐH mới mạnh dạn áp dụng hình thức này. Đây được xem là sự chủ động sáng tạo trong tuyển sinh, phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH sắp có hiệu lực.

Mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) dự kiến với riêng hai ngành Y khoa, Y học dự phòng, ngoài việc chỉ xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường cũng tổ chức phỏng vấn các thí sinh. Ba tháng trước đó, 60 SV ngành Y đa khoa Trường ĐH Y khoa phạm Ngọc Thạch cũng vừa tham gia phỏng vấn xét tuyển vào chương trình y khoa Việt Đức.

Đây không phải là những trường ĐH đầu tiên chọn phỏng vấn như một phương thức xét tuyển. Từ năm 2014, khi các trường được xây dựng phương án tuyển sinh riêng, phương thức xét tuyển qua hình thức phỏng vấn đã được nhiều trường ĐH như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang,,… quan tâm;

Năm học 2016, hình thức phỏng vấn trong tuyển sinh đã được áp dụng ở Trường ĐH Tân Tạo, thời gian qua phương thức này cũng đã triển khai tại các trường như Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Trường ĐH Trực tuyến Funix, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK) – ĐH Đà Nẵng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (chuyên ngành Quay phim truyền hình và Ảnh báo chí),…

Phỏng vấn là hình thức tuyển sinh được áp dụng rộng rãi tại nhiều trường ĐH trên thế giới. Đối với nhiều trường ĐH châu Âu, phỏng vấn tuyển sinh là bắt buộc đối với các ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Như ĐH Oxford (Anh), do số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường hàng năm đều tăng ở mức kỷ lục nên trường liên tục đưa ra những câu hỏi xoáy trong các cuộc phỏng vấn tuyển sinh, nhằm chọn ra những thí sinh có tư duy tốt nhất, có suy nghĩ sáng tạo và linh hoạt nhất.

Sự bắt nhịp của các trường ĐH ở Việt Nam về hình thức xét tuyển này là một tín hiệu tốt trong tự chủ ĐH, đổi mới tuyển sinh. Nó không chỉ giúp giảm tải thi cử truyền thống mà còn tạo điều kiện cho nhà trường sàng lọc được những thí sinh có tố chất, năng lực phù hợp, giúp thí sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.

Trong tương lai, theo ý kiến nhiều chuyên gia tuyển sinh, nên mở rộng hình thức xét tuyển phỏng vấn, nhất là ở các trường có những yêu cầu đặc thù về phẩm chất, năng lực riêng như trường sư phạm. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, qua quá trình đào tạo sư phạm ở các trường, ông nhận thấy một bất cập là các trường sư phạm hiện nay đều tuyển bằng điểm theo khối mà không biết các em có đam mê hay không?

Dĩ nhiên, cũng như bất kỳ phương thức xét tuyển nào, tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn, bên cạnh mặt tích cực, cũng có những vấn đề khiến một số người lo ngại như sợ hình thức này dễ cảm tính, tiêu cực, nhất là khi nó còn quá mới ở Việt Nam. Vấn đề không phải là vì e ngại tiêu cực mà bỏ qua một phương thức xét tuyển có nhiều lợi ích như thế.

Quan trọng là các trường phải nghiên cứu chặt chẽ các phương án để hạn chế tiêu cực, công tác tổ chức phải rõ ràng, chặt chẽ, cán bộ, giảng viên tham gia phỏng vấn cũng phải có kinh nghiệm, công tâm để lựa chọn thí sinh xứng đáng. Phỏng vấn cần phải công khai, minh bạch, thậm chí ghi âm, ghi hình để giải đáp thắc mắc của thí sinh. Có như thế, tuyển sinh đầu vào ở Việt Nam mới đáp ứng yêu cầu đổi mới, dần hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.

LIÊN KẾT NHANH

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thời gian vừa qua Chuyến xe hướng nghiệp BKC đã đi đến gặp gỡ các...
Trong buổi Lễ Tốt nghiệp Cao đẳng khóa 2 niên khóa 2021 – 2024, TS....
BKCO – Đồng hành cùng các tân khoa tại Lễ tốt nghiệp 2024 của trường...